Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học; Phát triển công nghiệp sinh học dựa trên khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh Cà Mau

Phát triển công nghệ sinh học (CNSH) là xu thế phát triển, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Cà Mau là tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú, có hai hệ sinh thái phát triển kinh tế đặc trưng là vùng nước lợ ven biển và vùng ngọt hóa nằm sâu trong nội đồng, đây là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu ứng, dụng CNSH rộng rải trên nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống, đồng thời phát triển công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, có tỷ trọng đóng góp cao trong GRDP của tỉnh, phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

1. Thực trạng nghiên cứu phát triển, ứng dụng CNSH ở tỉnh Cà Mau

Qua thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 và Kết luận 06-KL/TW, ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CNSH. Hoạt động phát triển và ứng dụng CNSH đạt được nhiều kết quả tích cực, một số chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ sinh trên một số lĩnh vực như: ngư - nông - lâm nghiệp, y dược, môi trường, chế biến thực phẩm… tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển và kinh doanh các loại chế phẩm sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNSH được quan tâm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng, phát triển CNSH của tỉnh phần lớn chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thủy sản và bảo vệ môi trường; kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH còn hạn chế; nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng CNSH chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia nghiên cứu phát triển, ứng dụng CNSH; một số đề tài, sản phẩm CNSH được nghiên cứu, chuyển giao nhưng ứng dụng vào thực tế đời sống xã hội chưa mang lại hiệu quả cao.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thấy hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH; đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu; sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, nhận thức, khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, nên việc ứng dụng CNSH vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

2. Định hướng nghiên cứu phát triển, ứng dụng CNSH; xây dựng nền công nghiệp sinh học của tỉnh Cà Mau

Phát triển và ứng dụng CNSH phải hướng tới khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, lĩnh vực có ưu thế về đa dạng sinh học của tỉnh Cà Mau. Tập trung phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH vào sản xuất và đời sống; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển CNSH, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu, phát triển CNSH; phát triển, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu CNSH trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học; xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp sinh học có đóng góp từ 10% trở lên trong tỷ trọng GRDP của tỉnh Cà Mau.

3. Những giải pháp cơ bản để phát triển, ứng dụng CNSH; xây dựng nền công nghiệp sinh học của tỉnh Cà Mau

Để thống nhất trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như sau:

- Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng CNSH:

Tập trung quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chương trình số 46-CTr/TU; đổi mới, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Các cấp, các ngành phải đưa nhiệm vụ phát triển và ứng dụng CNSH vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện.

- Triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH:

Triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của Trung ương; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, có triển vọng phát triển thành công nghiệp sinh học. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển CNSH quốc gia, liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng CNSH.

- Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống; phát triển công  nghiệp sinh học  thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - hội của tỉnh:

Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao; các chế phẩm sinh học phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm theo đặc thù bản địa của tỉnh. Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá CNSH trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh, trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế. Chủ động trang bị, quản lý, sử dụng thuốc, vắc-xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ các loại thảo dược phát triển tại địa phương. Chú trọng phát triển và ứng dụng CNSH trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường đất, nước, không khí, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tập trung xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác tối đa lợi thế vùng, địa phương nhằm sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm CNSH. Hỗ trợ doanh nghiệp CNSH nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm CNSH quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế CNSH có giá trị cao của Việt Nam và thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.

- Tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực CNSH, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển ứng dụng CNSH

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển ứng dụng CNSH đáp ứng từng giai đoạn cụ thể. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp CNSH, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực CNSH. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu đáp ứng theo yêu cầu phát triển về CNSH; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực CNSH có trình độ cao.

Tiếp tục đầu để các trung tâm, cơ sở làm công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, chuyển giao CNSH của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm CNSH, các trung tâm có chức năng đánh giá, kiểm định, chứng nhận trong lĩnh vực CNSH; tăng cường liên kết, hợp tác để phát triển trung tâm kiểm soát dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát và phòng, chống dịch bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 và Kết luận 06-KL/TW, ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

- Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị Chương trình số 46-CTr/TU ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

anh tin bai

Giống chuối cấy mô ứng dụng CNSH do Camautech sản xuất

Ths Đoàn Hữu Nghị

                                                                                   Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN

  • Từ khóa :
       HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NINH BÌNH
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở KH & CN Ninh Bình.
Địa chỉ: Số 23, đường Trần Hưng Đạo, Phường Đông Thành, TP Ninh Bình.
Điện thoại: 0229 3871157, Fax: 0229 3872316, Email: skhcn@ninhbinh.gov.vn
Designed by VNPT Ninh Binh - Hotline: 02293.880.903