19/05/2024
Hội thảo đầu bờ: "Liên kết sản xuất cây gai xanh AP1 tại huyện Nho Quan"
Lượt xem: 216
Chiều 14/5, Trung tâm
Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư Ninh Bình (Sở Nông nghiệp & Phát triển
nông thôn) phối hợp với Phòng Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội
thảo đầu bờ "Liên kết sản xuất cây gai xanh AP1 tại huyện Nho Quan".
Tham
dự hội thảo có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, đại diện Phòng Nông nghiệp
& PTNT huyện Nho Quan và xã Quỳnh Lưu.
Các đại biểu tham quan
mô hình trồng cây gai xanh ở xã Quỳnh Lưu (Nho Quan)
Gai
xanh là cây công nghiệp đa tác dụng. Vỏ cây được dùng làm nguyên liệu dệt vải
cao cấp. Lá được dùng để làm bánh gai, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy
sản. Lõi cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá thể trồng nấm và
phân bón hữu cơ.
Cây
gai xanh có khả năng chống chịu nắng hạn tốt, thích hợp với đặc điểm đồi núi và
không yêu cầu quy trình chăm sóc phức tạp. Loài cây này cũng ít bị sâu bệnh,
vòng đời khai thác 10 năm, mỗi năm thu hoạch 4-6 đợt.
Nhận
thấy những tiềm năng, lợi thế từ cây gai xanh, tháng 7/2023, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư
Ninh Bình đã phối hợp đưa giống cây gai xanh AP1 về trồng tại 3 xã của
huyện Nho Quan với diện tích khoảng 18 ha, trong đó tại xã Quỳnh Lưu là 10 ha.
Sau
gần 1 năm chăm sóc, với sự hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, đến nay diện tích
cây gai xanh của người dân phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Ước tính năng
suất đạt 6 tạ vỏ sơ sợi/ha, với giá bán 47 nghìn đồng/kg, tương đương doanh thu
trên 28 triệu đồng/ha. Sản phẩm được các công ty, doanh nghiệp ký kết bao tiêu,
thu mua tận nơi.
Tại
hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gai xanh AP1.
Đồng thời trao đổi thông tin thị trường, khả năng mở rộng sản xuất trên những
vùng đất khó.
Với
chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc không phức tạp và được bảo đảm bao tiêu
sản phẩm, cây gai xanh AP1 hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân
huyện Nho Quan. Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao
đời sống cho người dân, đồng thời mở ra hướng phát triển ở những vùng có
điều kiện thổ nhưỡng tương đồng./.
Tin:
Bích Ngọc
Ảnh:
Hoàng Hải