Ngày 09/8/2024, Sở Khoa học và Công nghệ
(KH&CN) đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh
“Ứng dụng các giải pháp thân thiện
với môi trường để quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên một số loại rau chủ
lực tại thành phố Ninh Bình” do Viện
Bảo vệ thực vật chủ trì, TS. Nguyễn Nam Dương là chủ nhiệm đề tài.
Ông Hoàng Trọng Lễ – Phó giám đốc Sở KH&CN,
Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị
Tham dự
hội nghị có các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp
tỉnh; lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Sở KH&CN, Viện Bảo vệ thực vật
cùng các thành viên trong ban chủ nhiệm đề tài. Hội đồng do ThS. Hoàng Trọng
Lễ – Phó giám đốc Sở KH&CN làm chủ tịch Hội đồng.
Sau
khi nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện, các thành viên hội
đồng nghiệm thu cấp tỉnh đã đưa ra các ý kiến nhận xét, đánh giá, bổ sung
cho đề tài. Các ý kiến cơ bản đều đánh giá cao giá trị khoa học, độ
tin cậy của kết quả nghiên cứu. Kết
quả đề tài đã: Xác định
được thành phần sâu bệnh hại chính trên các loại rau trồng chủ
lực; Xây dựng quy trình ứng dụng
các giải pháp thân thiện với môi trường để quản lý tổng hợp sâu
bệnh hại chính trên một số loại rau trồng chủ lực (cải bắp, su hào,
hành lá, bí xanh, súp lơ, xà lách) tại TP Ninh Bình; Xây dựng mô hình ứng dụng các giải pháp
thân thiện với môi trường để quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính
trên một số loại rau trồng chủ lực (cải bắp, su hào, hành lá, bí
xanh, súp lơ và xà lách): quy mô 0,5 ha/loại cây tại phường Ninh Sơn và
Ninh Phúc. Năng suất tăng 10%, tỷ lệ sâu bệnh giảm 70-75%, hiệu quả kinh tế
tăng 15-20% so với sản xuất đại trà, sản phẩm rau an toàn với người sử dụng,
dư lượng thuốc BVTV ở dưới ngưỡng cho phép.
Đề tài là công trình nghiên cứu có tính hệ thống,
bài bản và đúng quy trình nghiên cứu khoa học theo quy định chung (bao gồm các
nghiên cứu trong phòng và nghiên cứu trên đồng ruộng), các kết quả nghiên cứu của
đề tài có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, thiết thực đóng góp cho sản
xuất rau ở vùng nghiên cứu, xác định được thành phần sâu, bệnh hại trên 6 loại
rau với đầy đủ tiêu chí khoa học cũng như sự phân bố của chúng bao gồm: 11 loài
sâu, bệnh hại hành lá; 10 loài sâu bệnh gây hại trên bí xanh; 10 loài sau bệnh
gây hại trên cây rau thập tự (cải bắp, su hào, súp lơ); 7 loài sâu bệnh gây hại
trên xà lách. Xác định được một số chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật
sinh học có hiệu quả tốt trong phòng trừ sâu bệnh hại trên rau, thay thế được
các loại thuốc bảo vệ thực vật hoá học, góp phần làm giảm thiểu tác hại xấu do
thuốc bảo vệ thực vật hoá học gây nên, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, an toàn cho con
người và môi trường, đồng thời hiệu quả trong việc kiểm soát sâu bệnh, giúp giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc ở sâu bệnh. Việc
áp dụng quy trình "Quản
lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên 6 loại rau (cải bắp, su hào, hành
lá, bí xanh, súp lơ và xà lách) với các biện pháp thân thiện với môi trường
như xử lý hạt giống, cây giống, đất trước khi trồng cây, sử dụng thuốc BVTV
sinh học, các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại, giảm việc sử dụng thuốc
hóa học, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,
tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Quy
trình Quản lý tổng
hợp sâu bệnh hại chính trên 6 loại rau (cải bắp, su hào, hành lá, bí
xanh, súp lơ và xà lách) được ứng dụng trong mô hình đem lại hiệu quả cao, được chuyển giao qua
các lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ, Người sản xuất rau được tiếp cận với quy
trình sẽ tự tin hơn trong sản xuất, nâng cao năng lực về nhận biết triệu chứng,
tác nhân gây hại, chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học và quản lý tốt sâu bệnh hại
trên rau theo hướng an toàn, giúp sản xuất rau hiệu quả, bền vững.
Hội đồng tư vấn, đánh giá
nghiệm thu nhất trí nghiệm thu đề tài và đánh giá đề tài đạt yêu cầu./.
Tin: Bích Ngọc
Ảnh: Hoàng Hải