Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 diễn ra ngày 21/11, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã có những chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ về chuyển đổi số đến các đơn vị của ngành.
Cụ thể, Bộ Công Thương có 236 dịch vụ công trực tuyến, đến nay Bộ Công Thương đã có lượng giao dịch gần 1,2 triệu hồ sơ trực tuyến tính hết quý 3/2023. Trong gần 1,2 triệu hồ sơ gửi tới Bộ Công Thương, có 99% là hồ sơ gửi trực tuyến tới Bộ, chỉ khoảng 1% hồ sơ gửi trực tiếp. Bộ Công Thương đang xếp vị trí dẫn đầu về dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20-25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng chuyển đổi số
Về kinh tế số, Bộ Công Thương tập trung chuyển đổi số trong thương mại điện tử, công nghiệp và năng lượng.
Điển hình như ngành năng lượng đã tối đa hóa và tự động hóa mạng lưới điện tử, kết nối đồng hồ đo điện, tăng sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố mạng lưới, tiết kiệm năng lượng…
"Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số là mục tiêu của toàn xã hội và của các bộ ngành, các doanh nghiệp. Đây là quá trình tất yếu của xã hội", ông Quang cho biết.
Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số từ rất sớm
Ông Vũ Quang Hùng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cho rằng, vấn đề chuyển đổi số đối với ngành Công Thương tương đối rõ nét. Một số doanh nghiệp ngành công nghiệp đã chuyển đổi số từ rất sớm.
Điển hình như trong lĩnh vực điện lực, nếu như trước kia cán bộ của ngành điện phải tới từng cột ghi số điện, ngày nay, với việc ứng dụng hệ thống công tơ điện tử, hệ thống điện thông minh đã đem lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp, giảm thiểu nguồn lực, chi phí tham gia vận hành.
Về phía doanh nghiệp, bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại GRAB Việt Nam cho biết, tham gia thị trường hơn 10 năm, đến nay, GRAB đã đạt được những thành công nhất định trong chuyển đổi số. Đối với lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý, hiện GRAB có rất nhiều dịch vụ như: GrabBike, GrabCar, GrabFood…
"GRAB hiện cũng là một sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương xác nhận" - Bà Đặng Thùy Trang thông tin.
Theo thống kê, trong 2022, toàn khu vực Đông Nam Á có 83% đối tác của GrabFood và GrabMark là các doanh nghiệp, tăng trưởng 26%. Grab là công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số có hiệu quả. Grab cũng đã có những công cụ hỗ trợ các đối tác nhìn thấy doanh số trực quan, sinh động và rõ ràng nhất để có những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, có thể hỗ trợ quảng cáo trực tuyến, triển khai chiến dịch marketing, tạo các chiến dịch quảng cáo giúp các doanh nghiệp tăng hiển thị, tăng nhận diện và lan toả gần hơn tới người dùng.
Đại diện Grab Việt Nam cho biết, Grab luôn hướng tới mục tiêu mang lại những trải nghiệm thiết thực, hiệu quả, không chỉ cho khách hàng mà còn cho đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động phát triển kinh doanh và tạo công ăn việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho nhiều tài xế.
Cần phát triển hạ tầng số tập trung, thông suốt
Về giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kiến nghị: Về giải pháp Chính phủ số, cần phát triển hạ tầng số tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ quản lý, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng song song với đảm bảo an ninh, bảo mật hệ thống thông tin.
Về phát triển kinh tế số, bà Oanh cho rằng thời gian tới cần xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; xây dựng chỉ tiêu thống kê kinh tế số và phát triển lưới điện thông minh, an toàn mạng lưới điện...
Về phát triển xã hội số, cần tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên nền tảng thương mại điện tử.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn chính trị, tình trạng lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt và thị trường tài chính bấp bênh thì thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỉ USD trong năm nay.
"Thời gian tới, với đà tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Bộ Công Thương kỳ vọng qua diễn đàn lần này sẽ phát huy vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm đưa ra các đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương hiệu quả, bền vững. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp những giải pháp để chuyển đổi số một cách hiệu quả và thành công", Thứ trưởng nói.
Nguồn: Baochinhphu.vn