Thông tư hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Thông tư này quy định về quyền và trách nhiệm của
doanh nghiệp, về chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chi hỗ trợ phát
triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chi thực hiện hoạt động chuyển
giao công nghệ, chi phục vụ hoạt động quản lý Quỹ phát triển khoa học và công
nghệ của doanh nghiệp và yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, Quỹ phát triển khoa
học và công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký
nộp thuế.
Theo đó, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của
doanh nghiệp chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ gồm: Chi thực hiện
nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh; chi thực hiện
nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và chi thực hiện nhiệm vụ khoa
học và công nghệ trong trường hợp nhiệm vụ bị dừng thực hiện vì nguyên nhân
khách quan được xác định theo Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Đối với nội dung chi hỗ trợ phát triển khoa học và
công nghệ của doanh nghiệp bao gồm: (1) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho
hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như xây dựng các tổ chức
nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định,
hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm…; (2) Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu bí quyết
công nghệ, kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án
công nghệ, quy trình công nghệ…, việc xác định giá và phương thức thanh toán
khi mua quyền sử dụng, quyền sở hữu liên quan đến chuyển giao công nghệ được thực
hiện theo quy định của Điều 4 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP; (3) Mua máy móc, thiết
bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh để
thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác
tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát
triển sản phẩm mới của doanh nghiệp…; (4) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp
đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện
các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; (5) Chi đào tạo nhân lực
khoa học và công nghệ của doanh nghiệp…; (6) Chi cho hoạt động sáng kiến; (7)
Chi cho hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân,
doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động khảo sát, tìm kiếm đối
tác, nhu cầu công nghệ trong nước và ngoài nước…; (8) Chi cho đánh giá, thử
nghiệm, giám định, kiểm định, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ
mới, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; (9) Chi tài trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
đến năm 2025” theo quy định tại Thông tư số 45/2019/TT-BTC ngày 19 tháng 7 năm
2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nội dung chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ
cũng như chi phục vụ hoạt động quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của
doanh nghiệp, được quy định chi tiết tại Thông tư này.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về trình tự, thủ
tục, cách thức thực hiện và thành phần, số lượng hồ sơ khi yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ
phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
của các bộ; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng
6 năm 2022 và áp dụng cho việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại
doanh nghiệp từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022./.
Tin: Nguyễn Duy Việt