Bác Nguyễn Văn Kỷ vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có 22 ha vườn đồi trồng nhiều chủng loại cây ăn quả. Cũng như nhiều người dân, trước đây gia đình trồng bưởi Diễn, bưởi Tân Lạc, nhãn, xoài, mít, táo, ổi… Đến năm 2019, gia đình đưa vào trồng thử 4 ha giống cam V2. Đây là giống cây ăn quả mới, ứng dụng công nghệ cao (tưới nước tiết kiệm, phun lá, bắt quả…) nên những năm đầu mô hình cần có sự phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật tích cực giữa nhà khoa học và nhà nông.
Theo bác Kỷ, quyết định chọn cam V2 vì đây là giống cam ngọt, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt. Đặc biệt, cam V2 cho thu hoạch muộn (từ cuối tháng 12 đến tháng 3 năm sau), nên tránh được khủng hoảng thừa, trùng thời điểm cam sành ở các tỉnh phía Bắc thu hoạch rộ.
Đến thời điểm này, vườn cam V2 của gia đình bác Kỷ đang được cắt tỉa bán quả, với giá khá cao từ 30- 40 nghìn/kg. Nhiều gốc cam có tán lá đẹp, quả xen đều, khách hàng tới "cọc giá" từ 7- 10 triệu đồng, xin được "bứng" về chơi Tết.
Được biết, giống cam V2 được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, cây khỏe và năng suất khá hơn so với giống gốc. Cây sinh trưởng phát triển tốt, phân cành đều, tán cây cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao.
Giống cam V2 đã được trồng thử nghiệm ở ở Nghệ An, Hòa Bình, Yên Bái và nhiều tỉnh khác cho thấy năng suất cao, có nơi đạt 15 tấn/ha ngay ở giai đoạn đầu cho quả. Giống V2 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức.
Đặc biệt, thành phần và chất lượng nước quả cam V2 thơm, ngon, ngọt. Quả to trung bình (190 đến 250 gram/quả). Quả dễ bảo quản và có thể lưu giữ trên cây lâu mà không bị giảm chất lượng.
Trao đổi về sự phối hợp giữa các nhà khoa học và kinh nghiệm canh tác các giống cây ăn quả vùng đồi núi, kỹ sư nông nghiệp Đỗ Văn Miền, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh cho biết thêm: Các xã vùng cao của Nho Quan và một số xã vùng đồi của thành phố Tam Điệp là những địa phương có điều kiện về đất đai, nông dân có kinh nghiệm sản xuất các loại cây ăn quả. Tuy nhiên chưa hình thành các vùng cây ăn quả quy mô tập trung, chưa có nhiều các loại cây ăn quả chất lượng cao. Trong khi tiềm năng phát triển cây ăn quả của các địa phương này còn rất lớn.
Vì vậy, Hội làm vườn tỉnh đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây cam V2 tại huyện Nho Quan" với mong muốn, đề tài thành công sẽ góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hình thành vùng cây ăn quả hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế bền vững.
Đến nay, bước đầu mô hình 4 ha cam V2 tại hộ gia đình bác Nguyễn Văn Kỷ cho kết quả rất khả quan. Sau 3 năm trồng, chăm sóc, theo dõi, vụ này, mô hình đã cho quả lứa đầu. Trung bình mỗi gốc cho thu hái ước đạt 30 kg quả. Với 2.500 cây cam V2, năng suất đạt tương đương với 18,7 tấn/ha, vượt gần 10% mục tiêu yêu cầu.
Cây cam V2 khá hợp với đồng đất Nho Quan, vì vậy giai đoạn sau 5 năm, mỗi cây sẽ cho từ 80 đến 100 kg quả. Với giá trung bình từ 30 nghìn đồng/kg, tính ra trồng cam V2 có thể cho giá trị kinh tế đạt 500 triệu đồng/ha.
Được biết, với mô hình thành công, Hội làm vườn tỉnh sẽ phối hợp với các hội đoàn thể, các HTX tổ chức cho các hội viên, thành viên tham quan, học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cam V2 tiềm năng này.
Mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế tập thể theo hình thức trang trại, phát huy thế mạnh, các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch nông thôn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Minh Đường