Nâng cao nhận thức, thống nhất hành động về chuyển đổi số
Chiều 30/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban theo hình thức trực tuyến, kết nối với với điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số vừa là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên, ra mắt Ủy ban là bước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Tại phiên họp, Ủy ban sẽ bàn, tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; có kế hoạch, bước đi, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế, vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
 


Quang cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Chính phủ cần có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời với nó là nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an sẽ trình Chính phủ chiến lược và nghị định này trong năm 2021. 

Chuyển đổi số là sáng tạo, mà phải là sự sáng tạo của toàn dân. Việt Nam mạnh nhất là khi phát huy được sức mạnh toàn dân. Để phát huy được sức mạnh toàn dân thì cách tốt nhất là công bố các bài toán chuyển đổi số, cả ở tầm quốc gia, bộ ngành và tầm các địa phương, cũng như bài toán chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Bộ xin nhận làm đầu mối để công bố các bài toán chuyển đổi số. 

Chuyển đổi số là cái mới. Bởi vậy mà chia sẻ về cái mới thành công là cách tốt nhất để lan tỏa và đi nhanh. Cái mới thành công của các địa phương, các bộ, ngành, các doanh nghiệp và của cả các quốc gia khác nữa. Và không chỉ chia sẻ thành công mà cả các dự án thất bại và các bài học thất bại nữa. Đề nghị Ủy ban Quốc gia cho ý kiến về một trang web quốc gia để chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi số.

Doanh nghiệp công nghệ số là trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số. Nhưng họ cần thị trường để nuôi sống họ. Họ cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án chuyển đổi số, cả của Nhà nước và của các doanh nghiệp. 

Để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh và đi đúng hướng thì một bộ chỉ số đo lường, đánh giá về chuyển đổi số là rất quan trọng. Chúng ta đã ban hành và tiến hành đánh giá, công bố lần đầu về chuyển đổi số chính quyền, bao gồm bộ, ngành và địa phương. Tiếp theo sẽ là bộ chỉ số đo lường về kinh tế số và xã hội số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì sẽ được ban hành trong năm nay.

Phải lấy người dân là trung tâm, động lực cho phát triển chuyển đổi số

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần thống nhất quan điểm chuyển đổi số là một xu thế của thế giới, một yêu cầu đòi hỏi khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số có tính chất toàn cầu, phải có cách tiếp cận toàn cầu. Chuyển đổi số tác động các cơ quan đơn vị địa phương, do đó phải bắt tay vào làm, tạo ra hệ thống tổng thể, liên thông. Các bộ ngành trong hệ thống chính trị phải làm, liên thông từ trung ương đến cơ sở. Chuyển đổi số tác động mọi người dân, do đó phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp. Mọi người dân đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, hợp lý, bám sát thực tiễn khách quan, điều kiện hoàn cảnh, xây dựng chương trình, kế hoạch, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, doanh nghiệp. Phải đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; cho quản trị khoa học, hợp lý, hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác công tư trong chuyển đổi số vì nguồn lực nhà nước có hạn. Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.

Nâng cao nhận thức, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó,  thiết thực, hiệu quả, khoa học, không để dàn trải. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác này. Tăng cường công tác truyền thông đến với mọi người, nhất là người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc cùng các cấp chính quyền, giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước, thị trường, xã hội. Phát triển hài hòa hợp lý gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính; phát triển phải có kế thừa, đổi mới, sáng tạo.

Về các công việc cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, phải nâng cao nhận thức tầm quan trọng của công việc này ở các cấp, các ngành, đặc biệt người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện đang là điểm yếu. Triển khai chương trình phát triển công dân số bởi chính quyền số không có công dân số thì cũng vô dụng. Khi xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thì phải có công dân số tương ứng, hài hòa các trụ cột này mà chúng ta phải đầu tư. Tích cực hợp tác giữa các địa phương, quốc tế. Các bộ ngành phải chia sẻ dữ liệu; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tránh tình trạng thành tích, cục bộ.

Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện tạo đột phá, xuất phát từ thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo, phải bố trí nguồn lực hợp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 cụ thể, chi tiết; có kiểm điểm, đánh giá kết quả. Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phải được coi trọng hơn ở các cấp, các ngành.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành làm tốt các nhiệm vụ, theo đó, Bộ Công an tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý IV/2022. Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021...

Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia. Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở phát triển Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; xây dựng và phát triển các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. 

Bộ Tài chính thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế số; theo dõi vấn đề đầu tư công. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp đột phá để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, giúp các hoạt động kinh tế minh bạch hơn, hạn chế gian lận, tiêu cực trong thanh toán, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số.

Bộ Nội vụ thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số. Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số. 

Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; tăng cường quản lý về quy hoạch, kiến trúc. 

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử hiệu quả. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, môi trường, cảnh báo thiên tai, sạt lở đất. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình về ngành giáo dục, đào tạo số với định hướng, chiến lược có tầm nhìn…

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nang-cao-nhan-thuc-thong-nhat-hanh-dong-ve-chuyen-doi-so--676197/

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

  • Từ khóa :
       HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NINH BÌNH
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở KH & CN Ninh Bình.
Địa chỉ: Số 23, đường Trần Hưng Đạo, Phường Đông Thành, TP Ninh Bình.
Điện thoại: 0229 3871157, Fax: 0229 3872316, Email: skhcn@ninhbinh.gov.vn
Designed by VNPT Ninh Binh - Hotline: 02293.880.903